Tham gia phong trào Dương vụ Tăng_Quốc_Phiên

Tăng Quốc Phiên xuất thân là một người Hán nhưng với tài năng về mặt chính trị, quân sự và văn chương của mình, ông đã từng bước đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong Triều đình nhà Thanh, giành được sự tin tưởng của tập đoàn thống trị Mãn Thanh và trở thành một trong ba vị đại thần cao nhất của triều đình (hai người còn lại là Tả Tông Đường và Lý Hồng Chương).

Với vị trí là Tổng đốc Lưỡng Giang và Trực Lệ Tổng đốc, Tăng đã nỗ lực hết sức mình nhằm cải tiến lại bộ máy luật lệ đã cũ nát, vận động đổi mới chính trị, giảm thuế. Ông cũng là người chủ trương chính sách nhượng bộ thỏa hiệp với các nước đế quốc phương Tây, dựa vào đó chủ trương cuộc vận động "Đồng Trị trung hưng", nhằm vào hệ thống giáo điều cũ rích của chính quyền nhà Thanh.

Nhờ tiếp xúc với những người đã ra nước ngoài du học như Dung Hoằng, tiếp thu tư tưởng canh tân ông trở thành một trong những người đầu tiên xúc tiến cuộc vận động Dương vụ thời kỳ đầu (1865 – 1872) với ý đồ gửi sinh viên sang Mĩ du học, nhằm tìm hiểu và học tập kĩ thuật quân sự cũng như nhập vũ khí từ các nước phương Tây, tăng cường sức mạnh quân sự trong nước, thành lập công xưởng sản xuất vũ khí với kĩ thuật Tây Dương đầu tiên ở An Khánh (An Huy), đặt nền móng cho việc xây dựng Giang Nam công xưởng.

Trong suốt thời kì làm quan, ông còn góp phần bồi dưỡng, đào tạo nhiều vị quan lại cho triều đình, trong thời gian lãnh đạo Tương quân đã từng tiến cử Tả Tông Đường giữ chức Tuần phủ Triết Giang, Thẩm Bảo Trinh giữ chức Tuần phủ Giang Tây, sau đó làm Thuyền chính đại thần. Một trong những người xuất sắc nhất là Lý Hồng Chương, tướng lĩnh chỉ huy Hoài quân (trong cuộc chiến Thái Bình Thiên Quốc), Tổng đốc Lưỡng Quảng, Bắc Dương đại thần; Tăng Quốc Thuyên, em trai của ông, tướng lĩnh Tương quân, Tổng đốc Lưỡng Giang kiêm Nam Dương đại thần; Tăng Kỷ Trạch (con trai cả của ông), Công sứ Trung Hoa tại Anh, Pháp (1878 – 1880), Tổng lý quốc sự vụ đại thần (1880 – 1885).

Ông cũng là 1 nhà tư tưởng ái quốc nổi tiếng thời cận đại, về ông có rất nhiều ý kiến đánh giá trái chiều, có tốt, có xấu. Các tác phẩm của ông gồm "Tăng Văn Chính Công toàn tập"(174 cuốn), "Tăng Văn Chính Công thủ thư nhật ký"(40 cuốn)